Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hoành hành, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đều đã “xây xẩm mặt mày”, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng thì nợ lương 2-3 tháng, nhiều doanh nghiệp khác căng mình chống dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều doanh nghiệp trong ngành Xây dựng, Bất động sản có nền tảng cũng đang phải ra sức chống đỡ.
Ngấm đòn Là một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác mỏ - Công ty Cổ phần Thành Chí tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang phải tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, vật lộn để chống chọi với “cơn bão Covid”, mỏ phải ngưng hoạt động, kho ngoại quan cũng phải đóng để cửa phòng chống dịch, một màu xám ảm đạm bao trùm lên doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Thường – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Chí chia sẻ chưa bao giờ doanh nghiệp lại rơi vào hoàn cảnh như này, mấy tháng nay, do khó khăn từ đợt đầu của dịch nên công ty phải nợ lương của người lao động. “Cũng muốn chia sẻ với người lao động mà khó khăn quá”, nghe những lời tâm sự thật cám cảnh từ chính CEO Thành Chí. Theo số liệu, hiện đã có 80% doanh nghiệp môi giới bất động sản phải ngưng hoạt động, bên cạnh đó cũng khá nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án cũng “nằm im thở khẽ”. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều cho biết họ gặp khá nhiều khó khăn, nhưng vì để giữ thương hiệu nên xin không nêu tên. Đơn cử một công ty môi giới bất động sản có trụ sở tại Quận 2 cho biết, công ty gặp khá nhiều khó khăn do phải tạm đóng cửa văn phòng giao dịch nhằm tuân thủ triệt để các quy tắc an toàn phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ và của thành phố. Việc đóng cửa văn phòng và để nhân viên làm việc tại nhà chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận khách hàng và tình hình kinh doanh chung. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo công ty này cho biết vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, đầu tiên là bảo toàn đội ngũ nhân sự, cố gắng đảm bảo thu nhập cho nhân viên công ty trong thời gian làm việc tại nhà. “Đã phải rất đắn đo để mong toàn thể nhân viên công ty chia sẻ khó khăn chung với mức lương được điều chỉnh giảm còn 70%”, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch cũng được lãnh đạo công ty chia sẻ và kêu gọi nhân viên tham gia như: tặng xe cứu thương cho Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, tặng gạo để nấu cơm cho bệnh nhân F0, tặng bình oxy trong chương trình ATM Oxy, tặng sữa cho các bác sỹ tại bệnh viện dã chiến, tặng hàng trăm bộ kit xét nghiệm và 2.500 khẩu trang cho bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động viên tích cực cho toàn thể lãnh đạo và người lao động trong công ty, để giữ vững niềm tin, lan tỏa yêu thương cùng vượt qua đại dịch”, lãnh đạo công ty này chia sẻ.
Doanh nghiệp bất động sản lớn cũng gặp khó Là một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại Việt Nam – Novaland hiện đang có gần 3.000 cán bộ công nhân viên, khi đại dịch xảy ra, Novaland cũng vừa duy trì hoạt động vừa phải chống chọi với “vòng xoáy Covid”, theo chia sẻ từ Novaland, cho đến thời điểm này, để duy trì và đảm bảo thu nhập cho phần lớn người lao động trong công ty cũng là việc làm hết sức khó khăn, tuy nhiên cũng có vài bộ phận bị cắt giảm và chỉ hưởng khoảng 70% lương. Tập đoàn Hưng Thịnh thì sao? Cho đến thời điểm này, Hưng Thịnh vẫn đảm bảo trả lương sớm và đầy đủ cho toàn thể người lao động ở tất cả các bộ phận. Ngoài ra, quỹ “We are one” (phát động vào ngày 19/7) đã được trích ra và gửi đến các người lao động có thu nhập hạn chế, bị ảnh hưởng do dịch bệnh và đặc biệt là những trường hợp người lao động và người thân (gồm vợ/chồng, con, tứ thân phụ mẫu) không may nhiễm Covid. Trong bối cảnh khó khăn, đây chính là nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm sức mạnh cho cả tập đoàn, sẽ luôn là động lực để vững niềm tin vượt qua giai đoạn đầy thách thức này. Nhiều bạn trẻ của Hưng Thịnh đăng trên Facebook cá nhân kêu gọi tập thể đồng lòng. “Chúng ta hãy cùng nhau giữ sức khỏe, tích lũy kiến thức và luôn nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc. Cả nhà nhé!”, những chia sẻ này thật sự đã làm cho tập thể người lao động của Tập đoàn Hưng Thịnh như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.
Doanh nghiệp xây dựng lớn cũng “gồng” Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cũng như đưa ra các chính sách thực hiện để vượt qua đại dịch. Một trong số đó có thể thấy Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là doanh nghiệp đã có những hành động tích cực vừa nêu cao tinh thần chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động và quyền lợi cho người lao động, từng bước vượt qua các giai đoạn dịch bệnh từ những ngày đầu dịch mới bùng phát. Dù gặp nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh liên tiếp và kéo dài, Hòa Bình vẫn luôn đảm bảo các chế độ phúc lợi và trả đủ 100% lương cho toàn thể cán bộ công nhân viên. Thấu hiểu những khó khăn của người lao động, đặc biệt là những nhân viên nếu không may thuộc trường hợp F0, F1… Hòa Bình đã ban hành chính sách đảm bảo toàn bộ tiền lương và còn hỗ trợ thêm các phi phí điều trị cho họ. Trong những ngày giãn cách trước đây, Tập đoàn tổ chức phân nhóm luân phiên làm việc tại nhà và văn phòng; còn hiện nay nhiều tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 các công trình nằm trong nhóm phải tạm dừng thi công hoặc được thi công nhưng đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, hay “1 cung đường 2 điểm đến” nên hoạt động kinh doanh thêm chồng chất khó khăn. Với sự nỗ lực vượt bậc, Hòa Bình vẫn đang tìm kiếm thêm các nguồn việc mới cho công ty, đồng thời duy trì chế độ chính sách tương trợ cho người lao động trong giai đoạn ngừng thi công theo yêu cầu phòng chống dịch của Nhà nước. Người lao động làm việc trực tuyến tại nhà hưởng 100% tiền lương và phụ cấp; công nhân, nhân viên bán gián tiếp thuộc nhóm đối tượng không làm việc tại nhà được do đặc thù công việc hưởng 100% lương tối thiểu vùng, còn khối gián tiếp hưởng 100% lương cơ bản và 50% lương hiệu suất công việc (tương đương tối thiểu lương không thấp hơn 10 triệu đồng/tháng). Chị Nguyễn Thị Bích Liên (Phòng Kỹ thuật – Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay thì khó khăn là chung của người lao động và công ty. Với mình vẫn được làm việc tại nhà và vẫn được nhận đầy đủ các chế độ về tiền lương từ công ty là một hạnh phúc lớn”. Là một tập đoàn lớn, vừa xây dựng, vừa phát triển, kinh doanh bất động sản – DIC và các công ty thành viên đã và đang chủ động thắt chặt, tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh, với mục tiêu cao nhất bảo vệ sức khỏe người lao động, ổn định sản xuất kinh doanh. Ngay giai đoạn đầu của dịch, DIC đã bố trí nhân sự (duy trì 25% cán bộ công nhân viên làm việc trực tiếp tại công ty, 75% làm việc online) nhằm thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động. “Mặc dù thay đổi phương thức làm việc nhưng cán bộ công nhân viên vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo hiệu quả công việc”, ông Hoàng Văn Tăng – Tổng Giám đốc Tập đoàn DIC cho biết. Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị từ Tập đoàn DIC, các công ty thành viên đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái chủ động, kiểm soát tình hình và chăm lo cho đời sống của người lao động. Đơn cử như DIC No.1 đã dành tặng 2,5 tấn rau củ quả cho cán bộ công nhân viên DIC No.1 và công ty mẹ. Ngoài ra, tại dự án DIC Victory City Hậu Giang, DIC No.1 còn hỗ trợ suất ăn cho người lao động thi công trong thời gian giãn cách… Tại DIC Chí Linh City – Khu đô thị lớn và đông dân do Tập đoàn DIC làm chủ đầu tư, DIC Resco – Đơn vị quản lý vận hành chung cư đang căng mình siết chặt các biện pháp phòng dịch để mang lại an toàn cho cư dân tại các chung cư Lakeside, Seaview, Phoenix, Gateway. Theo ông Tăng, DIC đặt việc phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm và được quán triệt thực hiện đến toàn bộ các đơn vị thành viên và người lao động toàn Tập đoàn. Mạnh Cường - Báo Xây dựng |