Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công của ngành Xây dựng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công của ngành Xây dựng. Hướng đến chính quyền điện tử, chính quyền số Theo kế hoạch, chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có khoa học góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành Xây dựng; góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Kế hoạch chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng; động lực để phát huy và phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Hướng đến chính quyền điện tử, chính quyền số với mục tiêu “bốn không” như: Làm việc không giấy tờ; Họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không tiền mặt và “một có” dữ liệu có chuyển đổi số. Mục tiêu phát triển chính quyền số, đến năm 2025, tất cả cán bộ, công chức, viên chức tham gia lớp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số, kỹ năng quản lý nghiệp vụ trên nền tảng số. Hoạt động quản lý Nhà nước sử dụng văn bản điện tử có ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với trục trao đổi văn bản quốc gia trong các hoạt động quản lý Nhà nước (ngoại trừ các văn bản mật theo quy định). Mục tiêu chuyển đổi số để phục vụ công dân, tổ chức, doanh nghiệp, 100% thủ tục hành chính áp dụng các giải pháp công nghệ để triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Thông tin quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị được công khai trên mạng để hỗ trợ tra cứu thông tin. Hồ sơ năng lực của doanh nghiệp được quản lý đầy đủ thông tin và sử dụng xuyên suốt trong quá trình giao dịch công vụ.
Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ GIS, BIM Triển khai hệ thống GIS quy hoạch để công bố thông tin, phục vụ quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, tra cứu, khai thác dữ liệu, đảm bảo đến năm 2025, 100% đồ án quy hoạch được triển khai trên nền GIS để quản lý và công khai đầy đủ thông tin trên nền tảng internet, trên các ứng dụng di động, trên Hue-S. Trên cơ sở đó triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với cấp phép xây dựng và cung cấp, xác nhận các thông tin quy hoạch cho người dân, tổ chức. Đồng thời nhanh chóng hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, hướng đến một thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới cấp nước toàn tỉnh trên nền GIS; cơ sở dữ liệu về dự án, công trình xây dựng đã nghiệm thu đưa vào sử dụng; cơ sở dữ liệu đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; cơ sở dữ liệu về giá các dịch vụ liên quan đến hạ tầng kỹ thuật; cơ sở dữ liệu chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng; cơ sở dữ liệu hồ sơ năng lực của các tổ chức, cá nhân được cấp chứng chỉ năng lực hành nghề xây dựng phục vụ công tác quản lý chuyên ngành.
Mô hình chuyển đổi số ngành Xây dựng Thừa Thiên – Huế. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (GIS, BIM) hỗ trợ công dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Khai thác, sử dụng các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin, có đầy đủ bản quyền. Tăng cường khả năng phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin, nguy cơ bị tấn công mạng. Triển khai áp dụng kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng, UBND tỉnh làm cơ sở cho việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp trang thông tin điện tử công bố thông tin các lĩnh vực do ngành Xây dựng quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu, khai thác, sử dụng dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp. Theo Trí Đức – Tùng Sơn Báo Xây dựng |