Việc bùng nổ xây dựng các công trình cao tầng đang tạo nên những áp lực “quá tải” cho hạ tầng đô thị, do đó vai trò của lối sống xanh, công trình, kiến trúc xanh cũng ngày càng quan trọng.
Dưới tác động của dịch bệnh, không gian sống xanh bắt đầu được quan tâm hơn đối với con người, đặc biệt là các căn hộ cao tầng. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở cao tầng xanh trong các đô thị bền vững đang là một xu hướng tiên tiến đã và đang được thúc đẩy phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhà ở cao tầng xanh tại Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, song hiện nay vẫn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế và cản trở, trong đó, thách thức lớn nhất chính là nhận thức từ lợi ích từ các bên tham gia. Điều này khiến cho các công trình nhà ở cao tầng xanh hiện nay còn vắng bóng và nhiều công trình nhà ở được xây dựng lên không đạt được những giá trị đáng lẽ ra có được. Xu hướng nhà ở cao tầng xanh nên hết sức được quan tâm trong bối cảnh này. Tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch kiến trúc xanh cho các công trình cao tầng từ kết quả khảo sát các đô thị lớn tại Việt Nam” nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2021, nhiều chuyên gia đã đưa ra các nghiên cứu khảo sát về nhà ở cao tầng tại Việt Nam, xu hướng tâm lý của người dân trong việc lựa chọn nhà ở xanh, cùng với đó là những giải pháp quy hoạch, phương thức quản lý phù hợp và giới thiệu các sản phẩm công nghệ đóng góp cho việc phát triển đô thị bền vững Tại hội thảo, TS. Michael Waibel, Đại học Hamburg, Phó Dự án CAMaRSEC đã đưa ra kết quả khảo sát tác động của chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí để đánh giá Công trình xanh quan trọng nhất là các giải pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng và bảo đảm chất lượng môi trường sống. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có một số công trình đã được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi các hệ thống đánh giá xếp hạng công trình xanh như là: LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC); và hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới. Theo báo cáo của IFC, tính đến hết quý III/2021, Việt Nam có 201 công trình nhận chứng nhận xanh.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. “Chúng tôi đã khảo sát tập trung tại TP.HCM với những công trình chung cư được cấp chứng nhận công trình xanh, công trình cao cấp và cả hạng trung. Khi được hỏi có biết về chứng nhận công trình xanh, rất ít hộ gia đình trả lời là biết đến các chứng chỉ này. Khảo sát cho thấy, tại một số căn hộ thuộc dự án xanh, số hộ gia đình không biết là khoảng 40%, còn ở công trình thông thường, con số này lên tới 60%. Đặc biệt là nhận thức về công trình xanh tỷ lệ thuận với trình độ tri thức của người dân Việt Nam”, ông Michael nói. Theo đó, vị chuyên gia đưa giải pháp, bên cạnh việc bổ sung kiến thức, vận động người dân Việt Nam thay đổi các hành vi sử dụng tiết kiệm điện, nước thì cần có thay đổi thể chế như các cơ quan chịu trách nhiệm về công trình xanh. Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình xanh, hoàn thiện về hệ thống pháp lý, nâng cao ý thức cộng đồng về công trình xanh. Ở góc nhìn nghiên cứu thiết kế, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Đô thị Xanh chia sẻ: “Mọi vật thể đều cần có lớp vỏ bảo vệ và làm đẹp. Cùng với sự phát triển của kinh tế khoa học, trong bối cảnh đô thị hoá và các vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, lớp vỏ của công trình cũng ngày càng được cải thiện để làm đẹp hơn công trình và bảo vệ các công trình bên trong để đem tới chất lượng tốt cho chất lượng sống của cư dân. Lớp vỏ có chức năng bao che, kiểm soát bộ lọc không khí, kiểm soát khí hậu, làm đẹp”. Chuyên gia này cũng cho hay, thực tế cho thấy các lớp vỏ công trình hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết các chức năng như đã nêu ở trên. Trong nghiên cứu của chuyên gia và các đồng nghiệp cho thấy kiến trúc lớp vỏ rất quan trọng nhằm đưa lại hiệu quả sử dụng năng lượng cho công trình… TS. KTS. Lê Thị Hồng Na, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm Phúc Khang Corporation chia sẻ cụ thể hơn về câu chuyện thúc đẩy bất động sản xanh - Chuyển giao và phát triển cộng đồng xanh thông qua dự án Diamond Lotus Riverside.
TS. KTS. Lê Thị Hồng Na chia sẻ về giải pháp công trình xanh. TS. KTS. Lê Thị Hồng Na cho biết, Diamond Lotus Riverside trở thành thực chứng sống động về một công trình xanh được xây dựng theo chuẩn quốc tế, áp dụng những quy định khắt khe quá trình lựa chọn vật liệu xanh và vật liệu thân thiện với môi trường như kính Low-E phát xạ nhiệt chậm, giảm sự hấp thụ nhiệt lượng và làm chậm quá trình truyền tải nhiệt vào trong căn hộ, tuy vậy, vẫn đảm bảo độ sáng tự nhiên cho căn phòng; sàn gỗ tự nhiên chống mối mọt; sơn nước có độ che phủ và độ bền màu cao, chống thấm, không gây độc hại tới con người; đèn LED âm trần tiết kiệm 10% điện năng; gạch bê tông cốt liệu chịu tải, chống nứt tường, cách âm, cách nhiệt tốt. “Yếu tố tiện nghi và an toàn sức khỏe của cư dân đã được chú trọng nhất trong dự án này. Thiết kế mặt bằng của công trình dài và dẹp, hạn chế tối thiểu diện tích mặt đứng hướng Tây nhằm tối ưu hóa chiếu sáng tự nhiên, đảm bảo đầy đủ gió tươi cấp vào căn hộ”, TS. KTS. Na cho hay. Cũng tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Thoa, Điều phối viên Dự án PEEB Vietnam cho hay, về hành lang pháp lý cho công trình xanh, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều quy định như quy trình hiệu quả năng lượng làm nền cho công trình xanh; bên cạnh đó là các tiêu chuẩn kỹ thuật công trình. Về cơ chế tài chính, rất ít các chủ đầu tư bỏ tiền ra làm công trình xanh bởi khi họ bỏ tiền ra làm công trình xanh nhưng lợi ích lại thuộc về phía người dân. Làm thế nào điều hoà mối quan hệ này cũng rất cần điều phối và sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức tài chính, ngân hàng./. Theo Bất động sản Việt Nam |