Để kiểm soát giá nhà đất trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đang triển khai hàng loạt giải pháp như kiểm soát chặt tài chính, tín dụng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đặc biệt quản chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì họp báo - Ảnh: T.Đ.H.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết tại cuộc họp báo do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 21-1. Theo ông Khởi, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá cụ thể tác động của vụ đấu giá đất cao bất thường đến thị trường. Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường, và có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể giá đất thay đổi thế nào sau hàng loạt vụ đấu giá đất tại các địa phương, trong đó có vụ đấu giá đất tỉ đô tại Thủ Thiêm. Đến nay, có hơn 20 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Bộ Xây dựng, các tỉnh còn lại đang tiếp tục gửi báo cáo. Từ báo cáo của địa phương gửi về, Bộ Xây dựng đang tập hợp để báo cáo Thủ tướng, ông Khởi cho biết. Bàn về tác động của "sốt đất" đến giá nhà đất, đặc biệt là các chương trình phát triển nhà ở thương mại giá thấp, ông Khởi cho hay theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, giá nhà trên thị trường có tăng so với năm 2018 - 2019. Cụ thể, giá căn hộ nhà ở cao cấp tăng 0,5%, giá nhà ở, căn hộ trung cấp tăng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5%, cá biệt một số nơi như TP.HCM và các địa phương có hoạt động tách, nhập đơn vị hành chính, hoàn thiện hạ tầng, giá nhà đất tăng trên 10%. Trong đó, riêng giá thuê đất khu công nghiệp ghi nhận tăng mạnh từ 10 - 20% tại nhiều địa phương.
"So với 2 năm trước, giá nhà đất có tăng nhưng đây là xu hướng chung, trong 2 năm 2019-2020 nguồn cung hạn chế, nhiều dự án chưa hoàn thành sản phẩm, chưa bán hàng, trong khi nhu cầu vẫn tăng", ông Khởi nói. Giá nhà đất tăng đang ảnh hưởng tới chiến lược phát triển nhà ở thương mại giá thấp, cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân. Để tăng cơ hội tiếp cận nhà cho người dân, hiện Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp để giúp các đối tượng không tiếp cận được nhà ở xã hội có thể tiếp cận nhà ở. Cơ chế này sẽ được Bộ Xây dựng lồng ghép vào nội dung sửa Luật nhà ở thời gian tới. Về giải pháp kiểm soát giá nhà đất, ông Khởi cho biết Bộ Xây dựng đang triển khai hàng loạt giải pháp như kiểm soát chặt về tài chính, tín dụng, đồng thời thúc đẩy tăng nguồn cung nhà ở xã hội, và quản chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản. Đối với nỗi lo vốn giá rẻ từ chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 chảy vào thị trường bất động sản, tạo áp lực tăng giá, gây bong bóng thị trường, ông Khởi cho hay Quốc hội đã quyết định chỉ hỗ trợ giảm lãi vay cho các dự án nhà ở giá thấp, nhà ở công nhân, chứ không hỗ trợ vốn giá rẻ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại, nên không lo tác động làm tăng giá nhà ở. Cũng theo ông Khởi, có 2 cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở thời gian tới. Đó là hỗ trợ trực tiếp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân có nhu cầu có thể vay để mua, thuê nhà, và cơ chế hỗ trợ vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ thông qua gói hỗ trợ giảm 2% lãi vay ngân hàng thương mại. Quy mô gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỉ đồng. Và để chính sách hỗ trợ này nhanh chóng đi vào cuộc sống, theo ông Khởi, phải thực hiện nhanh các dự án nhà ở, phải có nguồn cung bán cho người có nhu cầu có thể thuê, mua nhà, và doanh nghiệp có dự án triển khai để vay vốn. Vì thế, ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết về phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án nhà ở, trên cơ sở đó bộ sẽ tổ chức kiểm tra tại những địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội cao, qua đó lập danh mục dự án cần hỗ trợ, phối hợp với các ngân hàng để triển khai kịp thời gói hỗ trợ. Nguồn: Báo Tuổi trẻ |