Email: phanvienmiennam@gmail.com
Banner mobi
Bộ Xây Dựng Học Viện Cán Bộ Quản Lý Xây Dựng và Đô Thị Phân Viện Cán Bộ Quản Lý Xây Dựng và Đô Thị Miền Nam
Kiến trúc sư Việt Nam có bị “ép giá” không?

     Thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến trong giới KTS cho rằng: Có sự bất bình đẳng trong việc trả phí thiết kế giữa KTS trong nước và KTS nước ngoài. Đồng thời, cũng nêu lên hai nguyên nhân: Thứ nhất, do quy định của Nhà nước về chi phí thiết kế quá thấp so với mặt bằng chung của các nước; thứ hai, do chủ đầu tư Việt Nam có tư tưởng “sính ngoại” nên sẵn sàng trả giá thiết kế cao cho các tư vấn thiết kế nước ngoài và “ép giá” các tư vấn trong nước.

 

KTS. Nguyễn Huy Khanh và công trình Trụ sở Tổng công ty tư vấn Việt Nam – VNCC

Để đánh giá về các ý kiến này, chúng ta sẽ cùng trả lời các câu hỏi lần lượt như sau:

Câu hỏi 1: Cách tính toán chi phí thiết kế của Việt Nam và các nước khác nhau như thế nào?

Trên thế giới hiện nay, để tính toán chi phí tư vấn thiết kế người ta sử dụng 05 phương pháp, đó là:

1. Phương pháp trọn gói (lump sum): Chủ đầu tư và công ty/KTS thiết kế thống nhất một khoản chi phí cố định cho dịch vụ thiết kế một công trình;

2. Phương pháp theo tỷ lệ %: Chủ đầu tư và công ty/KTS thiết kế thống nhất chi phí cho dịch vụ thiết kế tính theo số % của tổng mức đầu tư xây dựng công trình;

3. Phương pháp tính theo m2: Chủ đầu tư và công ty/KTS thiết kế thống nhất chi phí cho dịch vụ thiết kế tính trên một đơn vị diện tích, ví dụ m2, (được gọi là đơn giá thiết kế) rồi nhân với tổng diện tích xây dựng công trình để ra tổng chi phí;

4. Phương pháp tính theo thời gian: Chủ đầu tư và công ty/KTS thiết kế thống nhất chi phí cho dịch vụ thiết kế tính theo đơn vị thời gian lao động, ví dụ giờ-ngày, (được gọi là ngày công hay giờ công) rồi nhân với tổng thời gian thiết kế công trình để ra tổng chi phí;

5. Cuối cùng là phương pháp tổng hợp bao gồm tính theo 1 trong 3 cách đầu, sau đó tính theo phương pháp thời gian cho các phần việc ngoài những nội dung quy định của hợp đồng khi có phát sinh.

Ở Việt Nam, trong suốt hơn 25 năm qua, nhìn chung trên thị trường tư vấn thiết kế chỉ sử dụng một phương pháp theo tỷ lệ % (phương pháp thứ 2) để tính chi phí cho thiết kế. Lý do cơ bản là do thị trường chịu ảnh hưởng rất mạnh của các quy định Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Xây dựng. Quay lại dòng lịch sử, kể từ năm 1995 đến nay, Bộ Xây dựng đã 8 lần ban hành các thông tư và hướng dẫn liên quan đến chi phí thiết kế. Tuy nhiên, về cơ bản cách tính chi phí thiết kế vẫn giữ nguyên nguyên tắc là căn cứ vào tỷ lệ % của tổng chi phí xây dựng, với công thức “lõi” là: Ctk = Cxd x Nt x k.

Trong đó:

  • Ctk: Chi phí thiết kế xây dựng;

  • Cxd: Chi phí xây dựng tương ứng với loại, cấp của từng công trình trong tổng mức đầu tư được duyệt;

  • Nt: Định mức chi phí thiết kế theo công bố; đơn vị tính: Tỷ lệ %;

  • k: Hệ số điều chỉnh định mức chi phí thiết kế.

Các nội dung sau mỗi lần cập nhật chỉ là việc điều chỉnh các hệ số theo hướng ngày một chi tiết hơn, thay đổi tuỳ theo loại công trình, cấp công trình, quy mô và độ phức tạp. Nguyên nhân điều chỉnh là cập nhật theo cách phân cấp công trình trong từng thời kỳ mới. Chính vì vậy, giới chuyên môn nhận xét là cách tính này vẫn chưa hoàn chỉnh do chưa phân loại được chất lượng (hạng) của các tổ chức tư vấn, cũng như đặc thù yêu cầu kỹ – mỹ thuật và địa điểm xây dựng của công trình.

Khoảng 10 năm trở lại đây, trên thị trường cũng đã có xuất hiện cách tính mới, đó là ở thị trường xây dựng nhà ở tư nhân đã dần chuyển sang cách tính chi phí thiết kế theo diện tích, với đơn giá được đưa ra do các công ty thiết kế đưa ra trên cơ sở năng lực riêng của mình và mặt bằng giá chung.

Mặc dù đã có xuất hiện của sự chuyển dịch này, nhưng nhìn tổng quan thì thị trường thiết kế xây dựng vẫn tính chi phí thiết kế trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng, gần đây nhất là Thông tư 16/2019/TT-BXD năm 2019. Tại nội dung về phạm vi áp dụng thông tư này Bộ Xây dựng chỉ hướng dẫn cho các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, và khuyến khích thị trường tự điều chỉnh theo nguyên tắc tự thoả thuận của thị trường tự do, nhưng thực tế dường như vẫn không có nhiều sự thay đổi và thị trường vẫn sử dụng hướng dẫn của Bộ Xây dựng như cách tính chung. [1]

Để tiếp tục xem xét vấn đề này, chúng ta sẽ trước hết cùng khảo sát chi tiết các mức chi phí thiết kế (%) của Việt Nam và các nước phát triển tiêu biểu như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, đại diện của châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Asean. Khi đem so sánh một cách tổng quát tính toán thiết kế phí bằng phương pháp % này giữa Việt Nam và các nước trên thế giới thì hiện nay mức thiết kế của Việt nam chỉ bằng khoảng ½ đến ¼ thế giới. Cụ thể như sau: Nếu chi phí thiết kế trung bình của Việt Nam là từ 1,5% đến 2,5% thì Mỹ từ 8% đến 10% (max: 12%), Anh từ 10% đến 12% (max: 15%), Canada từ 8,5% đến 12% (max: 17%), của Nam Phi từ 5.5% đến 7,5% (max: 12,5%), của Nhật Bản và Hàn Quốc từ 5%-8% (max: 12%), Singapore từ 3%-4% (max: 12%). [2]

Việc so sánh trên chưa kể đến yếu tố ảnh hưởng của chi phí xây dựng. Tại các nước phát triển, giá thành xây dựng cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Nếu ở Việt Nam, giá thành xây dựng tính trên m2 sàn xây dựng (trung bình khoảng 500USD/m2), thì tại các nước phát triển là từ 2500USD/m2 (Singapore), 3000USD (Châu Âu), 3500 USD (Mỹ và Nhật Bản) [3].

Do vậy, nếu lấy tỷ lệ % thiết kế phí trung bình nhân với giá thành xây dựng trung bình thì có thể cho thấy thiết kế phí trung bình của tư vấn Việt Nam cho một công trình cùng quy mô ở sẽ thấp hơn từ 12 lần đến 20 lần so với các nước phát triển.

Tóm lại, đến đây có thể khẳng định rằng quy định về phí thiết kế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mặt bằng tương quan của các nước có nền kiến trúc xây dựng phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, nếu kể đến hiện tượng giảm giá bất thường của tư vấn thiết kế và ép giá của chủ đầu tư trong khoảng 5 năm trở lại đây, từ 30% đến thậm chí là 50%, thì vấn đề phí thiết kế của Việt Nam có thể được coi là bất bình thường, dẫn đến rất nhiều hệ luỵ khó lường.

Câu hỏi 2: Vì sao thu nhập của KTS của Việt Nam thấp hơn so với các nước?

     Để trả lời câu hỏi này, cần so sánh thông qua chỉ số thu nhập trung bình của KTS. Theo khảo sát của một số trang website như: careerexplorer.com, jobs.architeture.com hay salaryexplorer.com (*) thì thu nhập trung bình của KTS Việt Nam là 950 USD/tháng (tương đương với 5 USD/giờ). Trong khi đó, ở Mỹ và Úc là 32,5USD/giờ, tương đương 5.435 USD/ tháng gấp gần 6 lần; ở Anh là 3.300 Bảng Anh/tháng, gấp 5 lần; ở Singapore là 9.670 SGD/tháng, gấp 8 lần (Hình 1) [4].

Tuy nhiên, để so sánh chính xác hơn thì chúng ta cần khảo sát thu nhập KTS dựa trên cùng một mặt bằng so sánh sau khi loại bỏ các yếu tố chênh lệch của các nền kinh tế. Tại sao phải đưa về một mặt bằng như vậy? – Bởi vì mức sống hay sinh hoạt phí tại các nước khác nhau thì giá nhân công (trong đó có KTS và kỹ sư tư vấn) cũng khác nhau. Theo học thuyết Kinh tế Chính trị học của Marx thì Giá trị hàng hoá sức lao động được quyết định bởi lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động; gồm 3 bộ phận hợp thành: [5]

1. Giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động;

2. Chi phí đào tạo người lao động;

3. Giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cho gia đình người lao động.

Chính vì thế, chúng ta cần khảo sát tương quan mức thu nhập trung bình của KTS Việt Nam với các nước thông qua so sánh với chỉ số tổng thu nhập quốc dân GNI bình quân trên đầu người. Căn cứ vào số liệu của Ngân hàng Thế Giới – World Bank (Hình 2) thì GNI bình quân của Việt Nam năm 2020 đạt 2.660 USD/ng, chỉ bằng 1/21 của Singapore (54.920USD), 1/16 của Nhật Bản và Anh (khoảng 42.000USD) và 1/25 của Mỹ (65.910 USD). [6]

Bây giờ, nếu đem so sánh tỷ lệ giữa mức thu nhập trung bình của KTS so với mức thu nhập bình quân trên đầu người của cả nước (tính theo tháng), thì căn cứ vào số liệu của Hình 3, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ thu nhập trung bình của KTS Việt Nam so với thu nhập bình quân đầu người đang là cao nhất. Cụ thể ở đây, KTS Việt Nam có thu nhập cao gấp 4,25 lần người dân thường, trong khi đó KTS Singapore chỉ là 1,55 lần; Nhật Bản là 1,58 lần; Anh là 1,28 lần và Mỹ là xấp xỉ tương đương. Như vậy, nếu đứng trên góc độ so sánh này thì KTS Việt Nam đang là người có thu nhập khá cao so với mặt bằng xã hội. Nếu so sánh như vậy thì KTS Việt Nam đang “giàu” hơn các KTS nước ngoài nếu đem so sánh về mức sống tại mỗi quốc gia.

Nhưng đó chỉ là một cách so sánh tương đối, thực tế với mức thu nhập tuyệt đối là khác xa và chính vì vậy KTS Việt Nam khó có thể có điều kiện và cơ hội đi học tập, nghiên cứu nâng cao ở nước ngoài, chi trả cho các nghiên cứu khoa học, mua bản quyền phần mềm, trang thiết bị máy tính đồ hoạ, in ấn cao cấp… và do đó sẽ ngày càng tụt hậu.

Câu hỏi 3: Vì sao Chủ đầu tư Việt Nam sẵn sàng trả giá thiết kế cao hơn để thuê tư vấn thiết kế nước ngoài?

     Nếu loại trừ việc chủ đầu tư (bất động sản) sử dụng tên tuổi các công ty tư vấn nước ngoài như một phương tiện marketing, phục vụ cho việc bán hàng thì trên thực tế việc thuê tư vấn nước ngoài với mức giá trung bình như hiện nay khoảng từ 4%-5% tổng mức đầu tư xây dụng, trong đó bộ môn Kiến trúc chiếm từ 1,5% đến 2,5% – Mặc dù cao hơn 2-3 lần nếu thuê tư vấn Việt Nam nhưng vẫn là khá thấp hơn so với mặt bằng chung trên thế giới.

Ngược lại, các tư vấn nước ngoài chấp nhận mức chi phí này bởi vì một vài lí do chính sau: Một là, họ có thể giảm bớt chi phí bằng cách sử dụng một phần đội ngũ nhân viên là KTS Việt Nam với mức lương thấp hơn nhiều so với mức lương nhân viên tại nước họ (như đã phân tích ở phần trên); hai là, các chi phí khác liên quan cũng thấp hơn nếu họ đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam; cuối cùng là, họ muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, nhất là các thị trường bất động sản đang bùng nổ “booming” như ở Việt Nam. Một yếu tố nữa có thể kể đến, đó là các yêu cầu về chất lượng của chủ đầu tư Việt Nam cũng không khắt khe như ở các nước khác do quy định của luật pháp và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư vấn.

Đứng giữa sự lựa chọn nên thuê tư vấn nước ngoài hay tư vấn trong nước, Chủ đầu tư Việt Nam luôn đánh giá cao tư vấn nước ngoài về chất lượng và năng lực, có thể tóm tắt bằng các điểm chính như sau:

  • Khả năng nắm bắt thị hiếu của khách hàng, đáp ứng nhu cầu chất lượng cao và tạo ra các sản phẩm mới, cập nhật xu hướng mới của thị trường thế giới;

  • Các ý tưởng thiết kế mang tính sáng tạo cùng với khả năng trình bày và thuyết phục do đội ngũ thiết kế được đào tạo bài bản và làm việc môi trường có áp lực cạnh tranh cao;

  • Các giải pháp thiết kế có chiều sâu về chuyên môn, luôn cập nhật giải pháp công nghệ mới tiên tiến, sử dụng hiệu quả về năng lượng;

  • Năng lực quản lý dự án tốt bao gồm quản lý thời gian, tiến độ, thông tin … làm cho việc thực hiện kế hoạch hiệu quả và chính xác;

  • Năng suất lao động và hiệu quả công việc cao của đội ngũ thiết kế giúp chủ đầu tư tiết kiệm thời gian họp trao đổi;

  • Tính chuyên nghiệp – khả năng đảm bảo các cam kết cao giúp cho chủ đầu tư có sự yên tâm để chuẩn bị các kế hoạch công việc tiếp theo.

Thay cho lời kết

     Các KTS, doanh nghiệp tư vấn thiết kế cần có cái nhìn bao quát hơn về thị trường, trong đó có các vấn đề về thu nhập và về tài chính. Do điều kiện của đất nước, giới nghề có cả những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nhưng cũng không thể nói khác khi cùng một điều kiện thị trường mà tư vấn thiết kế nước ngoài với bất lợi do chi phí cao hơn vẫn đang chiếm lĩnh được ưu thế, đặc biệt là khâu sáng tác – lập ý tưởng thiết kế. Việc các tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam không phát huy được lợi thế trên “sân nhà” là điều cần phải được suy nghĩ một cách khách quan, nghiêm túc và thấu đáo. Bên cạnh đó, việc dám thay đổi tư duy, dám cải tổ hệ thống, trong đó vai trò của Nhà nước mang tính quyết định để nâng cao năng lực, là điều không thể khác khi muốn doanh nghiệp tư vấn thiết kế trong nước giành lại thị phần, muốn “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”!

ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)

Tài liệu tham khảo
[1] Thông tư 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 về Hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;
[2] 1. https://network.aia.org ; 2. https://www.archtoolbox.com ; 3. https://landerloke.com.sg;
[3] https://www.forbes.com/sites/niallmccarthy/2021/07/27/tokyo-is-the-worlds-most-expensive-city-for-construction-infographic/;
[4] UK https://jobs.architecture.com/staticpages/10290/salary-guide-architects-and-architecture/;
2. US https://www.careerexplorer.com/careers/architect/salary/;
3. Singapore: http://www.salaryexplorer.com/salary-survey.php?loc=196&loctype=1&job =86&jobtype=3;
4. JAPAN: http://www.salaryexplorer.com/salary-survey.php?loc=107&loctype=1&job =86&jobtype=3;
5. VIETNAM: http://www.salaryexplorer.com/salary-survey.php?loc=236&loctype=1&job =86&jobtype=3
[5] Giáo trình Kinh tế học Chính trị Mác – Lê nin (tái bản), Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2005;
[6] https://data.worldbank.org

 

Tin liên quan
Giải pháp giảm thiểu nứt do nhiệt của bê tông khối lớn

Giải pháp giảm thiểu nứt do nhiệt của bê tông khối lớn

25.10.2021Lượt xem: 6623

Sáng 23/10, Tạp chí Xây dựng – Tạp chí khoa học chuyên ngành của Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp giảm thiểu nứt do nhiệt của bê tông khối lớn - Những nguyên tắc chung và ví dụ thực tiễn”.
Xem thêm
Phê duyệt tỷ lệ 1/500 dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn

Phê duyệt tỷ lệ 1/500 dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn

08.03.2022Lượt xem: 3509

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ do Liên danh FPT làm nhà đầu tư.
Xem thêm
TP.HCM trình Thủ tướng phương án làm đường gần 178 nghìn tỷ

TP.HCM trình Thủ tướng phương án làm đường gần 178 nghìn tỷ

28.11.2021Lượt xem: 3111

UBND TP.HCM vừa gửi báo cáo Thủ tướng xem xét phương án hỗ trợ khoảng 83.290 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư dự án Vành đai 3.
Xem thêm
Các công nghệ mới nhất hiện nay trong xây dựng

Các công nghệ mới nhất hiện nay trong xây dựng

06.10.2021Lượt xem: 6102

Việc áp dụng các công nghệ mới vào xây dựng hiện đại được đánh giá là một xu hướng tất yếu của ngành xây dựng nói riêng và mọi lĩnh vực của đời sống nói chung
Xem thêm
“Thành phố 15 phút” đầu tiên của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất sau Triển lãm Quốc tế EXPO

“Thành phố 15 phút” đầu tiên của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất sau Triển lãm Quốc tế EXPO

07.03.2022Lượt xem: 2718

Khu vực di sản của Triển lãm EXPO 2020 diễn ra tại Dubai sẽ được quy hoạch theo mô hình “thành phố 15 phút” để trở thành một cộng đồng độc lập sau khi triển lãm kết thúc.
Xem thêm
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Xây dựng

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Xây dựng

24.11.2021Lượt xem: 3630

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.
Xem thêm
Nứt bê tông khối lớn: Cần định lượng nguy cơ và có giải pháp phù hợp

Nứt bê tông khối lớn: Cần định lượng nguy cơ và có giải pháp phù hợp

17.08.2021Lượt xem: 5898

Các chuyên gia về công nghệ xây dựng chỉ ra rằng, đối với việc thi công bê tông khối lớn, điều quan trọng là nhìn ra được vấn đề nứt do nhiệt thủy hóa để định lượng nguy cơ nứt và có giải pháp giảm thiểu
Xem thêm
Hà Nội sắp triển lãm 4 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo

Hà Nội sắp triển lãm 4 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo

28.02.2022Lượt xem: 2567

Từ ngày 1 - 31/3, TP. Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm 4 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo để lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân.
Xem thêm
Đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành 70%

Đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành 70%

22.11.2021Lượt xem: 3688

Bốn gói thầu đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành hơn 70% khối lượng, dự án hoàn tất phần giải phóng mặt bằng để nhà thầu đẩy nhanh thi công.
Xem thêm
Giảm thiểu nguy cơ nứt của bê tông khối lớn

Giảm thiểu nguy cơ nứt của bê tông khối lớn

04.08.2021Lượt xem: 5759

Sáng 31/7, Hội Bê tông Việt Nam (VCA) tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Giải pháp giảm thiểu nguy cơ nứt của bê tông khối lớn - Thảo luận chuyên sâu về móng trụ điện gió”, với sự tham gia của gần 700 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành, các hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế đang hoạt động tại Việt Nam.
Xem thêm
TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN NAM Trường Đại Học Bách Khoa - Đại Học Quốc Gia Tp.HCM. Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật - Tp.HCM TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG SỐ 1 – CTCP Bộ Xây Dựng ĐH Tôn Đức Thắng Sở Xây Dựng TPHCM Sở Xây Dựng Bến Tre TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC TP HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG CAO ĐẲNG KIẾN TRÚC-XÂY DỰNG TP.HCM Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh Sở Nội vụ TPHCM Tây Ninh
Copyright © PHÂN VIỆN CÁN BỘ QUẢN LÝ XÂY DỰNG & ĐÔ THỊ MIỀN NAM .
Đang online: 51   |   Ngày: 160   |   Tháng: 19953   |   Tổng truy cập: 2866190
Zalo
Hotline: 0916 891 635

PHÂN VIỆN CÁN BỘ QUẢN LÝ XÂY DỰNG & ĐÔ THỊ MIỀN NAM

PHÂN VIỆN CÁN BỘ QUẢN LÝ XÂY DỰNG & ĐÔ THỊ MIỀN NAM

PHÂN VIỆN CÁN BỘ QUẢN LÝ XÂY DỰNG & ĐÔ THỊ MIỀN NAM